Pages

Wednesday 27 October 2010

QUYỀN LỰC TỪ NĂNG LỰC CHUYÊN MÔN

Người lãnh đạo có nhiều dạng quyền lực khác nhau. Một số dạng quyền lực có thể gây khó chịu như quyền lực dựa trên vị trí được bổ nhiệm, quyền khen thưởng, trừng phạt và quyền kiểm soát thông tin. Tuy những dạng quyền lực này ít nhiều tỏ ra hữu hiệu nhưng chúng lại khiến cấp dưới cảm thấy không thoải mái và khiến người lãnh đạo trở nên độc đoán và khó gần trong mắt họ.
Hơn nữa, trong vòng 50 năm qua, xã hội đã có nhiều thay đổi. Ngày nay, quyền tự do cá nhân trở nên mạnh mẽ hơn và con người có thể chuyển việc dễ dàng hơn. Phần đông chúng ta không thích bị người khác áp đặt quyền lực. Nhiều người còn sẵn sàng làm những gì có thể để phản kháng lại những người sử dụng các dạng quyền lực tiêu cực này.
Vì vậy, muốn lãnh đạo hiệu quả, người lãnh đạo nên sử dụng 3 dạng quyền lực tích cực sau: quyền lực từ uy tín cá nhân, quyền lực từ năng lực chuyên môn và quyền lực từ sự khâm phục, ngưỡng mộ của người khác.
Bài viết này sẽ giới thiệu cách xây dựng quyền lực từ năng lực chuyên môn.
Sức mạnh của quyền lực từ năng lực chuyên môn
Quyền lực từ năng lực chuyên môn rất quan trọng đối với một người lãnh đạo. Khi bạn làm lãnh đạo, các thành viên trong nhóm làm việc của bạn sẽ luôn cần bạn định hướng và dẫn dắt. Họ cần có niềm tin là bạn có khả năng định hướng chính xác, chỉ đạo hợp lý và điều phối hiệu quả hoạt động của nhóm để mang lại một kết quả tốt.
Nếu mọi người trong nhóm đánh giá bạn là một chuyên gia đích thực, thật sự có tài, họ sẽ chú ý lắng nghe bạn hơn khi bạn cố gắng thuyết phục họ làm một việc gì đó và khi bạn muốn truyền cảm hứng làm việc cho họ.
Ngoài ra, nếu họ đánh giá bạn có tài, bạn sẽ dễ động viên họ làm việc hơn:  
- Nếu thành viên trong nhóm ngưỡng mộ năng lực chuyên môn của bạn, họ sẽ có niềm tin là bạn có thể chỉ dẫn cho họ phương cách làm việc hiệu quả.
- Nếu khâm phục tài phán đoán của bạn, họ sẽ đặt niềm tin vào khả năng chỉ đạo, điều hành của bạn. Nhờ vậy, họ sẽ làm việc cố gắng và hiệu quả hơn.
- Nếu thấy rõ năng lực của bạn, họ sẽ tin tưởng rằng bạn đủ trí tuệ để chỉ dẫn và hướng những nỗ lực của họ về một mục tiêu công việc xứng đáng nhất.
Tóm lại, nếu nhân viên tin tưởng vào năng lực chuyên môn của bạn, bạn sẽ dễ dàng động viện nhóm làm việc với hiệu quả cao nhất.
Làm cách nào để xây dựng dạng quyền lực này? 
- Nâng cao năng lực chuyên môn: Bước đầu tiên và cũng tốn nhiều thời gian nhất là nâng cao năng lực chuyên môn. Người lãnh đạo nên tích cực “nạp” thông tin tổng quát về ngành nghề của mình cũng như thông tin liên quan đến những công việc cụ thể mình đang làm.
Tuy nhiên, nếu chỉ mình bạn biết bạn tài giỏi không thôi thì chưa đủ. Điều quan trọng là mọi người phải thừa nhận tài năng của bạn và xem bạn là một người cố vấn đáng tin cậy. Vì thế, Gary A. Yukl, trong cuốn “Nghệ thuật lãnh đạo trong tổ chức” đã chỉ rõ một số việc bước sau đây để xây dựng quyền lực từ năng lực chuyên môn:
- Quảng bá năng lực của bản thân: Trong nhiều ngành nghề, năng lực chuyên môn của một người thường được đánh giá tương đương với trình độ học vấn và kinh nghiệm tích lũy được. Vì thế, người lãnh đạo nên khéo léo “giới thiệu” với cấp dưới, đồng nghiệp và cấp trên về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc liên quan đến công việc và những thành tích đáng chú ý của mình.
Một cách khác là khéo léo đề cập đến những bằng cấp đã đạt được hay kinh nghiệm làm việc trước đây của mình khi giao tiếp với đồng nghiệp. Ví dụ: bạn có thể nói: “Khi tôi làm kỹ sư trưởng ở GE, công ty chúng tôi cũng đã từng gặp một vấn đề tương tự như thế này.” Tuy nhiên, bạn nhớ đừng lạm dụng cách này vì có thể gây phản cảm.
- Giữ vững danh tiếng: Một khi đã tạo lập được danh tiếng, bạn nên chú ý bảo vệ hình ảnh của mình. Những nhận xét bất cẩn sẽ mất ‘hình tương’ của bạn. Nếu được yêu cầu hợp tác trong những dự án có khả năng thành công thấp, bạn nên phân tích và đưa ra ý kiến tại sao không nên thực hiện; thay vì tham gia một cách vô điều kiện để hình ảnh và danh tiếng của bạn bị ảnh hưởng.
- Hành động tự tin và quyết đoán khi gặp khó khăn: Trong tình huống “nước sôi lửa bỏng”, cấp dưới luôn tin tưởng hơn vào những người lãnh đạo dám nhận trách nhiệm, những người biết cách chỉ đạo nhóm giải quyết vấn đề. Những lúc như vậy, cấp dưới sẽ xem khả năng lãnh đạo kiên định, tự tin như một trong những biểu hiện năng lực của bạn. Ngay cả khi bạn không chắc mình nên xử trí tình huống như thế nào, bạn cũng không nên mất bình tĩnh vì nhân viên của bạn đang quan sát và trông chờ vào bạn.
- Cập nhật thông tin: Quyền lực của năng lực chuyên môn được hình thành từ khả năng thuyết phục và sự thể hiện tài năng của bạn. Muốn thuyết phục người khác, bạn cần luôn nắm vững những thông tin mới nhất. Vì thế, bạn phải thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình trong nhóm của bạn, trong công ty và môi trường bên ngoài.
- Quan tâm đến các thành viên trong nhóm: Người lãnh đạo không nên chỉ biết thuyết phục cấp dưới thực hiện những kế hoạch của mình. Bạn cần chú ý lắng nghe khi các thành viên trong nhóm thổ lộ những mối bận tâm và âu lo của họ và cùng tìm biện pháp giải quyết.
- Chú ý về khoảng cách kiến thức và lòng tự trọng của nhân viên: Quyền lực từ năng lực chuyên môn bắt nguồn từ khoảng cách kiến thức giữa người lãnh đạo và các thành viên trong nhóm. Tuy nhiên, chính sự khác biệt này có thể sẽ là nguyên nhân của nhiều vấn đề nếu bạn không khéo léo trong việc thể hiện quyền lực.
Cấp dưới có thể sẽ không thích bất cứ sự so sánh nếu sự khác biệt này lớn và rõ rệt. Họ cũng có thể sẽ cảm thấy bực bội nếu người lãnh đạo cư xử một cách trịch thượng và tỏ ra kiêu ngạo về năng lực chuyên môn trội hơn của mình. Bạn tuyệt đối đừng làm như thế nhé!
(Theo mindtools.com)

5 CHỮ E CHO 1 SỰ NGHIỆP VỮNG TIẾN

Bạn sắp bước qua cột mốc 5 năm trong sự nghiệp và đã đạt được những bước tiến đáng kể nhưng dường như mọi thứ đang dần chậm lại.
Là một người năng động, thích học hỏi những điều mới mẻ, bạn không bao giờ muốn dậm chân tại chỗ. Bạn cần một giải pháp để thoát khỏi tình trạng bão hòa này. Hãy mang theo 5 chữ E sau đến công sở mỗi ngày, đây chính là động lực cho những thành công mới.
1.    Enthusiastic – Nhiệt tình
Một khi bạn đã chán nản với công việc hiện tại, làm sao để tìm thấy sự nhiệt tình trong công việc? Đây chính là lý do tại sao bạn phải chủ động tạo ra sự nhiệt tình để đánh bật sự chán nản. Hãy bắt đầu bằng cách tự nói với bản thân rằng “Mình sẽ hào hứng làm tốt công việc này”.
Nếu bạn nghĩ “Công việc này thật chán”, bạn sẽ cảm thấy mất hết sinh khí và không còn hứng thú làm việc. Khi bạn thích những gì đang làm, sự nhiệt tình sẽ đến tự nhiên và thành công cũng vậy. Hãy “tấn công” công việc với sự nhiệt huyết và không lãng phí giây phút nào để thành công.
2.    Efficient – Hiệu suất cao
Một khi làm việc với sự nhiệt tình, bạn sẽ tìm được cách hoàn thành công việc tốt nhất trong thời gian ngắn nhất. Đó chính là làm việc hiệu quả.
Làm việc với hiệu quả cao cũng giúp bạn thể hiện năng lực của mình. Khi không ngừng phấn đấu để trở thành người làm việc hiệu quả nhất, sớm hay muộn thăng tiến là đều tất yếu với bạn. Hãy sử dụng tối đa năng lực của mình để thành công
3.    Excellent – Xuất sắc
Đây là chữ E làm bạn áp lực nhất, nhưng chính áp lực lại thúc đẩy bạn cố gắng hơn. Bạn không được hài lòng với kết quả tốt, hãy phấn đấu đạt kết quả xuất sắc trong tất cả những gì bạn làm. Đây chính là chìa khóa mở cửa thành công.
4.    Early – Đến sớm
Bạn có bao giờ nghĩ rằng đi làm sớm sẽ giúp bạn thăng tiến? Chính thói quen nhỏ này sẽ góp phần vào thành công của bạn. Đối với những công ty không quá khắt khe về thời gian làm việc, nhân viên thường đến trễ về sớm mà không biết rằng họ đang lãng phì cả thời gian của bản thân lẫn công ty.
Buổi sáng chính là lúc cơ thể bạn tràn đầy năng lượng, vậy hãy bắt đầu một ngày làm việc mới thật sớm để tận dụng hiệu quả nguồn năng lượng này. Giải quyết dứt điểm những việc khó nhất vào buổi sáng sẽ làm bạn hưng phấn hơn và ngày làm việc sẽ không còn chán nản như bạn nghĩ.
5.    Easy – Dễ chịu
Bạn có muốn làm việc với một người hay than phiền, cằn nhằn về những chuyện nhỏ nhặt? Hãy làm việc một cách dễ chịu. Dễ chịu ở đây không có nghĩa là làm qua loa cho xong việc, không quan tâm đến kết quả đạt được mà hãy cởi mở, thân thiện với đồng nghiệp và làm việc với một tinh thần lạc quan.
Khi bạn dễ chịu với đồng nghiệp, họ cũng sẽ vui vẻ với bạn. Môi trường làm việc thân thiện giúp tinh thần thoải mái, năng suất làm việc cao hơn và kết quả công việc tốt hơn.
Bạn không cần phải lên một kế hoạch quá phức tạp và khó khăn để thăng tiến. Năm thái độ lạc quan trên sẽ mang lại kết quả khả quan cho sự nghiệp đang hồi bão hòa của bạn.